Cần quan tâm điều gì khi bán hàng online? 7 lưu ý cho người mới bắt đầu?
16:09 - 17/04/2024
“Bán hàng online” đang là sự lựa chọn nghề nghiệp của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, dịch vụ giao hàng tận nơi và thói quen mua sắm trên mạng của người tiêu dùng.
Là người mới bắt đầu bán hàng online, bạn sẽ có nhiều bỡ ngỡ và cần có những bước đi thận trọng. Vậy bạn cần lưu ý những điều gì để có sự chuẩn bị tốt nhất?
1. Bạn định bán hàng online mặt hàng nào?
Việc lựa chọn sản phẩm để bán hàng online cũng cần đầu tư về mặt thời gian để nghiên cứu thị trường cẩn thận. Đừng thấy người người đi bán mỹ phẩm, nhà nhà đi bán quần áo là mình cũng lao vào mặc dù mình thường bị đánh giá là có gu thẩm mỹ khá tệ hay chưa từng sử dụng mỹ phẩm bao giờ. Bạn nên bán mặt hàng mà mình đã từng dùng rồi, có ít nhất một chút hiểu biết và sản phẩm đó đáp ứng được một hoặc nhiều các tiêu chí như:
- Đang là trào lưu
- Đang là mùa vụ
- Đặc sản vùng miền
- Thị trường ngách cần chuyên môn
- Là người đầu tiên
- Đối thủ cạnh tranh yếu
- Tự sản xuất được và đã bán trực tiếp
2. Khách hàng của bạn là ai?
Sản phẩm của bạn hướng tới nhóm khách hàng như nào? Độ tuổi, giới tính, thu nhập, vị trí địa lý… cần được tính toán để xác định chuẩn mặt hàng bạn sẽ bán. Ví dụ cùng là kinh doanh sách, nếu bạn hướng tới khách hàng là phụ huynh muốn con học giỏi tiếng Anh, bạn sẽ phân được thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: sẵn sàng chịu chi cho sách nhập khẩu từ Anh – Mỹ với chất lượng tốt, giá thành cũng khá cao và bạn phải cạnh tranh với các công ty chuyên nghiệp.
- Nhóm 2: nhóm phụ huynh thu nhập bình thường, không có điều kiện cho con học trường quốc tế nhưng vẫn muốn con giỏi tiếng Anh thì có thể mua các dòng sách nhập từ Trung Quốc, màu sắc và chất lượng đạt 70% nhưng giá thành chỉ bằng 1/3. Nếu chọn nhóm 2, bạn sẽ có thị trường rộng hơn và từ đây, bạn sẽ xác định những bước đi tiếp theo của mình.
3. Bạn có biết làm tài liệu bán hàng online?
Chụp ảnh mẫu, quay video dùng thử sản phẩm, viết bài giới thiệu, hướng dẫn, đánh giá,… là những nghiệp vụ bạn phải thực hiện. Nội dung sẽ bao gồm giới thiệu đặc điểm, tính năng, hướng dẫn sử dụng, thế mạnh của sản phẩm so với thị trường, các khuyến mại nếu có,…
Nếu bạn ngại xuất hiện thì có thể thuê người mẫu hoặc nhân viên nhưng thường là người bán hàng sẽ xuất hiện trực tiếp để đánh giá. Đây là hình thức mang uy tín cá nhân ra đảm bảo chất lượng sản phẩm bạn đang bán.
4. Bạn định bán hàng online trên kênh nào?
Có hai nhóm kênh bán hàng thông dụng nhất hiện nay:
Nhóm 1: mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, Youtube…
Nhóm 2: các website thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee…
Ngoài ra, các diễn đàn, trang rao vặt, email, trang tiếp thị liên kết … cũng có hiệu quả nhưng không đông đảo như 2 nhóm kể trên.
Mỗi loại kênh bán hàng online sẽ có điểm mạnh, điểm yếu riêng và các kỹ thuật cần thiết để bán được nhiều sản phẩm. Việc của bạn là nghiên cứu kỹ và chọn lấy loại hình phù hợp.
5. Bạn đã có kỹ năng quảng cáo, “câu view” chưa?
Với nguồn thông tin tràn ngập khắp nơi trên mạng, việc của bạn là phải lôi kéo sự chú ý của khách vào trang bán hàng online của mình và giữ lại họ lâu nhất có thể. Một số chủ shop đã phải vận dụng những chiêu trò câu view, bịa đặt ra những câu chuyện éo le, tình huống gây sốc và có người đã phải đối diện với án phạt từ pháp luật lẫn sự phẫn nộ của dư luận khi tung tin đồn làm ảnh hưởng đến tính mạng hay cuộc sống của người khác,…
Đừng đi theo những vết xe đổ như vậy, bởi bạn có thể học tập theo con đường “chính đạo” của các trang bán hàng online có uy tín.
6. Website bán hàng riêng có thực sự cần thiết?
Các kênh bán hàng online được nêu tên ở phần 4 đều do các công ty lớn trong nước và quốc tế xây dựng nên, vì thế, tính hiệu quả, sự tiện lợi rất cao. Tuy nhiên, vì bạn kinh doanh trên sân chơi của họ nên bạn phải tuân theo các luật do họ đặt ra và có thể bị khóa tài khoản nếu vi phạm hoặc bị chơi xấu (đối thủ tập trung report).
Do đó, công việc kinh doanh của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít thì bị tạm dừng vài ngày, nhiều thì bị khóa vĩnh viễn và phải xây lại mọi thứ từ đầu. Đồng thời bạn cũng phải chi một khoản kha khá cho việc đóng phí, chạy quảng cáo, chia phần trăm doanh thu cho các trang này.
Khi hoạt động bán hàng online của bạn đã đi vào ổn định, bạn nên tính đến việc tạo dựng một thương hiệu riêng cho shop của mình bằng một website bán hàng riêng, không chịu bất cứ sự quản lý của nhà cung cấp nào. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý việc mua bán online, đặt hàng và tạo cổng thanh toán dễ dàng hơn cho khách hàng, đồng thời, tăng sự uy tín, tin cậy và tính chuyên nghiệp cho shop của bạn.
7. Bán hàng online có cần phần mềm bán hàng?
Nếu bạn sử dụng Phần mềm bán hàng nghiêm túc ngay từ lúc bắt tay vào công việc bán hàng online, bạn sẽ kiểm soát được:
- Hàng hóa, số lượng hàng bán, hàng tồn, giá trị hàng tồn
- Doanh thu, số tiền thu được, lãi lỗ
- Danh sách khách hàng để quảng cáo phù hợp, số doanh thu từng khách để có chương trình tri ân cần thiết
- Nhà cung cấp, nhập những gì, đã trả bao nhiêu, còn nợ bao nhiêu
- Báo cáo cập nhật từng phút, bạn có thể xem ở mọi lúc, mọi nơi và trên tất cả các thiết bị